Nhiều gia đình đổi đời nhờ nuôi bò sữa

Nhiều gia đình ở xã Hiệp Thạnh, H. Đức Trọng (Lâm Đồng) đã “đổi đời” nhờ liên kết nuôi bò sữa.

Ông Nguyễn Khánh  nuôi bò sữa cho thu nhập 60 triệu đồng/ tháng
Ông Nguyễn Khánh  nuôi bò sữa cho thu nhập 60 triệu đồng/ tháng

Xã Hiệp Thạnh hiện có trên 400 hộ nuôi bò sữa, riêng Tổ hợp tác nuôi bò sữa của xã thu hút 159 hộ tham gia, nhiều nhất là nông dân của các thôn Bồng Lai, Bắc Hội và Fi Nôm… Vợ chồng anh Đặng Thanh Bình (Tổ 1 Bồng Lai) trước đây trồng rau và dâu tằm lấy trái, cuộc sống vẫn khó khăn, từ 7 năm qua nhờ chuyển sang nuôi bò sữa mà xây được ngôi nhà khang trang. Hiện nay hai vợ chồng anh nuôi 13 bò sữa (7 con đang cho sữa) trung bình thu 150 kg sữa/ ngày, bán giá 14.500đ/ kg, cho thu nhập ổn định trên 60 triệu đồng/ tháng, trừ chi phí còn “kiếm công” trên 30 triệu đồng. Tương tự, ông Nguyễn Khánh, trước làm cho một doanh nghiệp nhà nước thu nhập bấp bênh, từ năm 2006 ông xin nghỉ việc về nhà nuôi bò sữa, nay hai vợ chồng ông nuôi 25 bò, là trang trại kiểu mẫu của Vinamilk. Hiện nay bình quân mỗi ngày đàn bò cho 200 kg sữa, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y… lãi ròng khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Theo ông Lê Hồng Duyên,Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi bò sữa Hiệp Thạnh, nhờ nuôi bò sữa mà nhiều hộ không chỉ có cuộc sống ổn định, còn xây được nhà mới, sắm được xe hơi như các hộ Vũ Minh Đức, Liễu Viết Tân, Nguyễn Sinh Thành… Ông Duyên cho biết thêm, khí hậu Đức Trọng phù hợp với bò sữa, chưa kể nguồn thức ăn phong phú, ngoài đồng cỏ, còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp khác rất “khoái khẩu” với bò, nên sản lượng sữa cao hơn nuôi ở TP.HCM và các tỉnh.

Các công ty thu mua sữa như Vinamilk, Dutch Lady, Dalat Milk…đều cử cán bộ đến các hộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc, cách vắt sữa, họ đặt các điểm thu mua ngay trên địa bàn nên rất thuận tiện cho các hộ chăn nuôi. Mỗi ngày hai lần, lúc 7 giờ và 17 giờ, các điểm thu mua sữa nhộn nhịp nông dân chở sữa đến bán, mỗi hộ chăn nuôi có mã số riêng gắn trên mẫu sữa được nhân viên lấy mẫu sữa và nhập vào máy vi tính để kiểm tra chất lượng, số lượng sữa. Hằng tháng các công ty thanh toán tiền trực tiếp cho cho các hộ chăn nuôi. Cũng nhờ nuôi bò tập trung nên các dịch vụ đi kèm như thuốc thú y, cám, bắp, rau cỏ, thiết bị vắt sữa… được nhà cung cấp mang đến tận nhà cho nông dân. Theo ông Nguyễn Khánh, bây giờ nuôi bò sữa không lo về đầu ra như những năm đầu, vì  trên địa bàn xã Hiệp Thạnh có khoảng 10 điểm thu mua sữa tươi, giá sữa từ 14.000 đồng đến 15.000 đồng/ ký.

Nông dân chở sữa đến điểm thu mua
Nông dân chở sữa đến điểm thu mua

Tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Hiệp Thạnh thông qua Công ty Dalat Milk được Ngân hàng thế giới hỗ trợ tài chính thực hiện dự án cạnh tranh nông nghiệp. Theo ông Lê Hồng Duyên, trong 2 năm thực hiện dự án, 159 hộ trong tổ được hưởng lợi 3,5 tỉ đồng, bằng cách hỗ trợ 40% tiền mua bò, hoặc các thiết bị, chuồng trại để chăn nuôi bò. Ngoài ra, dự án cạnh tranh còn tài trợ 4 tỉ đồng để bê tông hóa 2 con đường tại thôn Bồng Lai dài hơn 2km, đây là nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi bò sữa nhất xã. Nhờ có đường mới nên việc vận chuyển thức ăn và sữa tươi đến các điểm thu mua của các hộ rất thuận tiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *